Đặc điểm nội mạc tử cung và các yếu tố liên quan trong chu kỳ thụ tinh nhân tạo

Abstract
Mục tiêu: Tìm hiểu đặc điểm và các yếu tố liên quan đến tình trạng nội mạc tử cung trong chu kỳ thụ tinh nhân tạo, đồng thời khảo sát ảnh hưởng của độ dày nội mạc tử cung đến sự thành công của phương pháp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:Nghiên cứu mô tả cắt ngang các cặp vợ chồng vô sinh được điều trị bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung, tại Trung tâm Nội tiết sinh sản và Vô sinh - Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế trong thời gian từ tháng 08 năm 2018 đến tháng 04 năm 2021. Sau khi thu thập thông tin hành chính, thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng cho cặp vợ chồng hiếm muộn thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn và tiêu chuẩn loại trừ, theo dõi nang noãn và thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, xét nghiệm beta-hCG máu sau bơm 2 tuần và siêu âm thai 2 tuần sau khi thử thai dương tính. Kết quả: Phác đồ kích thích buồng trứng và việc bổ sung estrogen trong các chu kỳ theo dõi nang noãn tác động có ý nghĩa lên độ dày nội mạc. Độ dày nội mạc có mối liên quan đáng kể đến sự thành công của kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Ngưỡng độ dày nội mạc tử cung 8,65mm có thể tiên lượng kết quả có thai với độ nhạy là 61,5% và độ đặc hiệu là 63,5%, AUC = 61,6%, p < 0,05. Bên cạnh đó, một số yếu tố người vợ, độ tuổi của người chồng có ảnh hưởng bất lợi đến kết quả có thai. Kết luận: Kích thích buồng trứng trong chu kỳ thụ tinh nhân tạo có liên quan đến độ dày của nội mạc. Đặc điểm độ dày nội mạc tử cung là một yếu tố có khả năng tiên lượng kết quả có thai sau thụ tinh nhân tạo.