Abstract
Với các cầu ở miền núi và trung du của nước ta vào mùa lũ sự tích tụ các vật trôi như cây trôi (cây gỗ, tre, nứa, ...) hay bùn đá là một vấn đề phổ biến. Sự tích tụ cây trôi ở mố, trụ cầu gây ảnh hưởng xấu đến chế độ thủy lực của dòng chảy dưới cầu, làm tăng nguy cơ ngập lụt ở thượng lưu, tăng chiều sâu hố xói dưới cầu, có thể gây là sập cầu. Để phòng tránh sự tích tụ của cây trôi ở khu vực cầu có hai biện pháp cơ bản là biện pháp kết cấu và phi kết cấu. Vấn đề lựa chọn giải pháp phòng tránh sự tích tụ cây trôi phù hợp với điều kiện cụ thể của công trình cầu, cần đưa ra bộ tiêu chí đánh giá về nhiều mặt. Trong nội dung bài báo tác giả kiến nghị 03 biện pháp phòng tránh tích tụ của cây trôi áp dụng cho khu vực cầu Ngòi Thia (thuộc tỉnh lộ 174, tỉnh Yên Bái) là làm lệch hướng cây trôi, làm tường cánh dẫn hướng, lắp máy quét cây trôi ở thượng lưu các trụ cầu. Cho dù để lựa chọn chính xác biện pháp nào phải có sự so sánh đầy đủ về mặt Kinh tế - Kỹ thuật, tuy nhiên để đối phó với sự tích tụ của cây trôi một cách hiệu quả nhất thì ngay từ bước thiết kế phải đảm bảo giảm khả năng mắc kẹt và tích tụ các cây trôi như: 1) Tạo tĩnh không cần thiết giữa mực nước thiết kế và cao độ đáy dầm cầu; 2) Bố trí các trụ/mố có khoảng cách thích hợp và không nên đặt trụ trong đường đi của cây trôi (không đặt trụ trong lòng chính của sông suối).