Hiệu quả làm sụp khoang phôi nang nhân tạo trước khi thủy tinh hóa bằng phương pháp laser

Abstract
Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả của việc sụp khoang phôi nhân tạo bằng phương pháp laser trên nhóm phôi nang trước khi thủy tinh hóa. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Đây là một nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức, từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021. Tiêu chuẩn nhận bao gồm các bệnh nhân có độ tuổi từ 18-35; số chu kỳ TTTON ≤2 và có ít nhất một phôi nang tốt trữ đông theo tiêu chuẩn của Gardner và Schoolcraft (1999). Tiêu chuẩn loại trừ là các chu kỳ xin cho noãn, chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, nuôi trưởng thành noãn non và các trường hợp vợ có bất thường về tử cung. Bệnh nhân được chia thành hai nhóm: nhóm nghiên cứu với phôi nang làm sụp khoang phôi bằng phương pháp laser trước khi thủy tinh hóa và nhóm chứng bao gồm phôi nang nở rộng không sụp khoang phôi. Kết cục đánh giá chính bao gồm tỷ lệ sống của phôi sau rã đông. Các kết quả phụ: tỷ lệ thai lâm sàng, làm tổ, đa thai và sinh hóa. Kết quả nghiên cứu: Tổng cộng có 205 bệnh nhân tham gia nghiên cứu với 96 bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu và 109 bệnh nhân trong nhóm chứng. Không có sự khác biệt về đặc điểm nền giữa hai nhóm. Tỷ lệ sống sau rã của phôi nang là 100% ở cả hai nhóm. Về kết quả lâm sàng, không có sự khác biệt thống kê giữa hai nhóm về tỷ lệ có thai lâm sàng (58,3% so với 57,8%, p > 0,05), tỷ lệ làm tổ (50,8% so với 50,0%, p > 0,05), tỷ lệ đa thai (5,2% so với 7,3%, p > 0,05) và tỷ lệ thai sinh hóa (11,5% so với 5,5%, p > 0,05). Kết luận: Kỹ thuật làm sụp khoang phôi nang nhân tạo trước khi thuỷ tinh hoá bằng phương pháp laser chưa nhận thấy sự ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sau rã đông của phôi nang, tỷ lệ thai làm tổ, thai lâm sàng cũng như đa thai.