Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong xây dựng công trình cầu ở việt nam

Abstract
Trong quy trình thiết kế truyền thống, sử dụng bản vẽ trong mặt phẳng (thường là CAD2D) là công cụ chính để thể hiện ý tưởng thiết kế. Các bản vẽ 2D theo thiết kế truyền thống thường không có liên hệ về mặt không gian và quản lý. Để thể hiện thiết kế của một công trình các kỹ sư dùng các bản vẽ mặt đứng, mặt bằng, mặt cắt, các ghi chú...do đó đôi khi khó khăn trong việc hình dung ra hình dạng không gian của kết cấu cũng như khó lường trước được các xung đột trong công trình. Với mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM), công trình xây dựng được thể hiện trên môi trường 3D, có thuộc tính về hình học, vật liệu và các bản vẽ 2D sẽ được tạo ra từ mô hình 3D việc này giúp các bên tham gia dự án có hình ảnh 3D tổng thể về công trình, điều chỉnh thiết kế và xử lý được các xung đột ngay từ khi xây dựng mô hình. Tại Việt Nam, việc ứng dụng BIM cho các công trình cầu còn khá mới mẻ, lý do quan trọng bởi các đơn vị tham gia dự án còn khá hoài nghi về quy trình áp dụng BIM cũng như tính khả thi của nó so với thiết kế truyền thống, bên cạnh đó đội ngũ nhân lực cũng như hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến cần chi phí đầu tư ban đầu lớn về phần cứng cũng như các phần mềm trong hệ sinh thái BIM... Bài viết xin chia sẻ về quy trình làm việc khi ứng dụng BIM cho công trình cầu, đồng thời nêu ra những khó khăn thách thức và giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình áp dụng BIM được đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả.